Hành trình tự học giúp tôi giành học bổng Thạc sĩ ở Mỹ

Không được học tiếng Anh cho tới hết năm lớp 7, nhưng sau đó là hành trình tự học của tôi để giành học bổng thạc sĩ tại Mỹ.

04:00 29/11/2021

Vào những năm tôi học phổ thông, học sinh bắt đầu học từ lớp 6. Ngày đó, trường tôi thuộc một trong những vùng sâu nhất tỉnh Đồng Tháp, bị thiếu giáo viên trầm trọng. Vì thế, tôi và các bạn cùng lớp đã học hai năm đầu cấp hai với giáo viên môn Địa lý kiêm nhiệm môn Ngữ văn. Chỉ có môn tiếng Anh là không có giáo viên nào có thể kiêm nhiệm được, nên chúng tôi không được học môn này.

Tôi học hết năm lớp 7 và đang nghỉ hè thì hay tin trường sẽ không tổ chức dạy lớp 8 do số lượng học sinh ghi danh quá ít, không đủ cho một lớp học. Ba mẹ tôi nghĩ đến phương án gửi tôi về sống với ông bà ngoại để tiếp tục đi học. Vấn đề là trường mới của tôi có dạy Tiếng Anh, và ai cũng lo ngại rằng tôi sẽ không xoay xở được để theo chương trình tiếng Anh lớp 8.

Khi ấy, tôi cũng rất lo lắng, nhưng nỗi lo ấy nhanh chóng bị át đi bởi một cảm giác khác. Tôi tò mò không biết tiếng Anh là gì, học tiếng Anh như thế nào? Và tôi ấm ức tự hỏi tại sao những học trò lớp 6 và 7 khác được học tiếng Anh, còn mình thì không? Giải pháp mà ba mẹ tôi đưa ra là mượn hai quyển sách giáo khoa tiếng Anh lớp 6 và 7 cho tôi tự học. Thời đó, không có Internet, nên dụng cụ học tiếng Anh duy nhất của tôi là một quyển từ điển Anh - Việt nhỏ xíu.

Hành trình tự học của tôi cũng không dễ dàng, nhưng tôi nghĩ cái khiến mình không bỏ cuộc là cảm giác tò mò ban đầu: tôi muốn biết tiếng Anh là gì nên phải cất công tìm hiểu để hiểu cho ngọn ngành. Tôi đã nỗ lực thật nhiều và đã không bị bỏ lại phía sau.

Cuối năm lớp 12, tôi đăng ký thi đại học khối D và thi đậu, dù không học thêm hay ôn luyện ở các trung tâm luyện thi.

Sau này, khi đi dạy và chứng kiến học sinh bị áp lực về điểm số để làm vui lòng cha mẹ, phải chạy từ lớp học thêm này sang trung tâm ngoại ngữ nọ đến trường năng khiếu kia, từ sáng sớm đến tận khuya để có những thành tích khiến họ hàng có thể tự hào, tôi cảm thấy có gì đó không ổn. Tuy nhiên, lúc đó tôi không biết phải giải thích hay thuyết phục mọi người ra sao? Tôi đã thấy ở môi trường học đường một vấn đề cần giải quyết, nhưng đành để nó dang dở

Đang dạy học, tôi lại thấy tò mò và bị thôi thúc tìm hiểu một lĩnh vực khác: tâm lý học. Những câu hỏi tương tự ngày xưa lại hiện lên trong tôi: Tâm lý là gì? Nó tác động lên tâm trí, cảm xúc và hành vi của con người ra sao? Tại sao có người ở độ tuổi học trò mà lại bị trầm cảm? Động lực học là gì? Người ta lấy động lực từ đâu?

Tôi nộp đơn xin học bổng thạc sĩ của quỹ Ford Foundation, hy vọng được ra nước ngoài học theo diện trao đổi sinh viên. Khó khăn lớn nhất của tôi lúc đó là tìm cách thuyết phục hội đồng xét tuyển rằng, dù mình không có kiến thức nền của ngành Tâm lý, nhưng vẫn có thể tự học các môn nền tảng của chương trình cử nhân Tâm lý học để có thể theo học chương trình thạc sĩ Tư vấn tâm lý học đường tại trường đại học San Diego, Mỹ.

Hội đồng xét tuyển cho rằng tôi nên chọn học thạc sĩ về phương pháp giảng dạy tiếng Anh hay Ngôn ngữ học ứng dụng. Nhưng cái làm tôi tò mò muốn biết và nhất định phải khám phá lúc đó lại là Tâm lý học.

Để thuyết phục thành công hội đồng xét tuyển, tôi đã đặt hai điểm nhấn vào bài thuyết trình sau buổi phỏng vấn của mình ngày hôm đó. Thứ nhất là câu chuyện tôi đã tự học chương trình tiếng Anh lớp 6 và 7 để có thể vào học lớp 8 tại một ngôi trường có dạy tiếng Anh, với bằng chứng là quyển học bạ không hề có điểm số môn này ở cả hai năm lớp 6 và 7. Thứ hai là khát khao muốn học ngành này để trả lời những câu hỏi tự mình đặt ra và góp phần giải quyết những mặt tồn tại của ngành giáo dục thời đó.

Một trong những chủ đề khiến tôi hứng thú khi học chương trình thạc sĩ Tư vấn tâm lý học đường là động lực nội tại (Intrinsic motivation) và động lực ngoại sinh (Extrinsic motivation). Khi nắm được hai khái niệm này, tôi đã nhớ lại và hiểu tại sao mình có cảm giác bất ổn khi chứng kiến học sinh của mình trở nên vật vờ, thiếu sức sống trong những kỳ kiểm tra và những mùa thi vì sự cạnh tranh quyết liệt về điểm số và khi phải học ngày học đêm theo ý cha mẹ khi còn dạy ở trường phổ thông.

Tâm lý học giải thích rằng, động lực nội tại là cái thôi thúc người ta làm một việc gì đó để nhận được phần thưởng từ chính nội tâm mình; phần thưởng đó có thể là cảm giác thỏa mãn khi học xong một khóa học và trả lời được những câu hỏi do chính mình đặt ra. Đó cũng có thể là cảm giác tự tin hơn vào năng lực của bản thân, đồng thời trở nên trân quý bản thân nhiều hơn. Với động lực nội tại, ta làm một điều gì đó vì ta thích, vì nó khiến ta vui, nó làm ta thấy hạnh phúc.

Còn động lực ngoại sinh là cái thúc đẩy người ta nỗ lực đạt thành tích để nhận được phần thưởng từ bên ngoài, ví dụ như sự ngưỡng mộ của người khác. Nó khiến một học sinh cố đạt điểm cao để cha mẹ em có thể khoe trên Facebook rồi thưởng cho em một cái iPhone mới, hoặc để tránh những phiền phức khi bị cha mẹ em càm ràm suốt ngày và đem em ra so sánh với "con nhà người ta".

Cho dù cả hai dạng động lực trên đều thúc đẩy con người cố gắng để có thành tựu, động lực nội tại là cái giúp người ta vượt khó và kiên định trên con đường đi tới mục tiêu, nó khiến ta hạnh phúc với từng bước đi trên con đường đó. Còn động lực ngoại sinh lại khiến ta bị stress vì áp lực và dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn. Các nhà nghiên cứu tâm lý còn phát hiện là khi ta đang có động lực nội tại mà ai đó hứa trao cho ta một phần thưởng nếu ta đạt được thành tích, thì động lực nội tại của ta sẽ dần bị triệt tiêu.

Con người nói chung và trẻ nhỏ nói riêng là những thực thể có bản chất tò mò và bản năng tìm hiểu, chúng ta thích tìm tòi và thèm được khám phá. Trẻ con luôn có khát khao muốn biết những gì các em chưa biết nên đứa trẻ nào cũng có sẵn động lực nội tại cần thiết cho việc học. Một cách tự nhiên, các em luôn muốn học để thỏa mãn cái khao khát muốn biết cái mới, để tận hưởng cảm giác hài lòng khi thấy bản thân ngày càng vững vàng hơn về kiến thức và kỹ năng, trưởng thành hơn về trí tuệ và cảm xúc.

Tuy nhiên, nếu thầy cô nhồi nhét kiến thức, cha mẹ thúc ép, bắt con học từ sáng đến tối và hứa thưởng nếu con học giỏi và dọa phạt nếu con không có thành tích thì cái động lực nội tại đó sẽ dần mất đi, thay vào đó là cảm giác bị áp lực, dẫn đến học để đối phó và thi đậu để được yên thân. Dĩ nhiên, khi học để đối phó thì việc học sẽ không thể bền vững.

Tôi trở về với môi trường giáo dục phổ thông vì cái động lực nội tại là giải quyết vấn đề tôi đã để dang dở năm nào. Lần này, tôi tin mình đã có cơ sở để thuyết phục giáo viên dùng cách dạy gợi mở: khơi gợi óc tò mò, khuyến khích học sinh đặt câu hỏi, nhìn thấy vấn đề rồi chủ động nghiên cứu để giải quyết vấn đề. Tôi biết giáo viên sẽ làm được nhiều điều cho học sinh hơn khi đóng vai trò là người truyền cảm hứng để khơi dậy động lực nội tại của học sinh.

Tôi cũng sẽ thuyết phục phụ huynh tạo điều kiện để con mình tìm tòi tri thức, khám phá thế giới để thỏa mãn óc tò mò và khát khao tìm hiểu thay vì ép con học do sợ chúng thua kém bạn bè hay buộc con học thật nhiều để có một công việc lương cao sau này. Về phía học sinh, tôi muốn nhìn thấy sự chủ động và tính tự lập từ phía các em. Các em cần biết mình muốn gì, thích sống một cuộc đời như thế nào, và để làm được điều mình muốn thì phải trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng nào, phải đi tìm những kiến thức và kỹ năng đó ở đâu?

Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam, và nhiều trường trên cả nước vẫn đang phải dạy và học online. Nhưng sau những trải nghiệm của mình, tôi đã tin là cơ hội luôn tồn tại song hành với thách thức. Tôi vẫn nghe học sinh của mình nói về những khó khăn các em gặp phải, ví dụ bị thoát ra không đăng nhập trở lại vào phần mềm học trực tuyến được hay nhà chật quá phải ngồi chung phòng với anh, chị hay em cũng đang học trực tuyến và không nghe được thầy cô giảng vì quá ồn...

Sau khi truyền cảm hứng và hướng dẫn phương pháp tự học, tôi hy vọng được chứng kiến nhiều em quyết định tự học hay khi gặp những khó khăn tương tự thì có thể chuyển sang tự học.

Tôi biết là khi bắt tay vào tự học và nhận ra mình hoàn toàn có khả năng tự học thì hành trình học tập và học tập suốt đời của một người mới thật sự bắt đầu.

Nguyễn Ngọc Thành Trúc

Tags:
Trump bác thông tin 'từng định tấn công Trung Quốc'

Trump bác thông tin 'từng định tấn công Trung Quốc'

Trump khẳng định chưa bao giờ tính tấn công Trung Quốc khi giữ chức tổng thống, thêm rằng tướng Milley nên bị xử tội phản quốc nếu từng báo tin này cho Bắc Kinh.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất