Du học sinh Việt 19 tuổi, được Elon Musk mời làm việc, lương 6 con số, chỉ ngủ 2-4 tiếng mỗi ngày

Qua Mỹ chưa đầy 4 năm, nhưng với thành tích học tập xuất sắc, cá tính độc lập, Đỗ Trọng Khoa, 19 tuổi, đã được đích thân ông Elon Musk, người sáng lập kiêm Chủ tịch và CEO của Tesla, Inc. và SpaceX, gửi email mời về làm việc với chức danh “kỹ sư phần mềm cấp cao” (Software Engineer – senior level).

12:30 26/01/2021

Với vị trí công việc này, SpaceX sẽ bảo trợ Khoa có được quốc tịch Mỹ, làm việc tại trụ sở của SpaceX tại Hawthorne, California. Nhưng vì muốn học lên cao nữa, cho nên đến tháng 8 này Khoa mới nhận lời dù đã nhận được thư từ ngày 12/4/2018. Ngoài mức lương cao, Khoa được hưởng những quyền lợi khác như bảo hiểm sức khỏe, tiền thưởng…, theo báo Người Việt.

Niềm vui đến cùng một lúc, khi Khoa nhận được lời mời của ông chủ SpaceX đồng thời với thư chấp nhận vào chương trình cao học tại trường đại học UC Berkeley. Sau đó, lại tiếp tục nhận được thư mời của trường đại học Stanford University, tuy nhiên Khoa đã chọn Stanford University để học lên tiến sĩ. Để có được cơ hội nghề nghiệp và tương lai tươi sáng như hôm nay, Khoa đã phải nỗ lực rất nhiều khi chỉ ngủ 2-4 tiếng mỗi ngày.

Khoa kể, qua Mỹ vào năm 2014 khi đang học chuyên toán tại trường trung học Nguyễn Khuyến ở Đà Nẵng. Khoa tự kiếm học bổng trong hai năm học lớp 11 và 12 để gia đình không phải tốn tiền, mà chỉ chi trả tiền ăn khi Khoa học tại trường Boca Prep International School ở Florida.

Với cá tính tự lập, Khoa lên mạng tìm trường, nộp đơn xin nhập học, I-20, cho tới visa. Sang Florida, Khoa ở nhờ nhà người chị bà con. Chồng của chị là luật sư người Mỹ. Anh đã giúp Khoa nâng cao khả năng tiếng Anh và anh chị họ giúp Khoa đi thi bằng lái, mua quần áo và các vật dụng cần thiết. Đối với Khoa, thời gian ấy là khoảng thời gian quý giá khi chân ướt chân ráo đến Mỹ.

Sau khi tốt nghiệp bằng tú tài quốc tế (IB, International Baccalaureate) với số điểm cao nhất trường, Khoa nộp đơn xin vào nhiều trường đại học và được University of Miami trao học bổng 96.000USD, trung bình mỗi năm được 24.000USD, rồi University of Michigan, UCLA, UC Berkeley… Cuối cùng, Khoa chọn học UCLA.

Năm 2016 Khoa qua California học, và chỉ trong vòng hai năm, Khoa đã lấy đủ credit. Tính toán “sát nút” việc học của mình để làm sao học vừa nhanh mà điểm lại cao, nên mỗi ngày chàng trai 19 tuổi chỉ ngủ tối đa 2 đến 4 tiếng. Nhờ vậy, khi vừa học xong ở UCLA, Khoa được ngay các trường UCLA, UC San Diego, UC Berkeley, Cal Poly Pomona, Cal State Long Beach, San Jose State University, Harvey Mudd College, Stanford University là những trường đại học hàng đầu chuyên về toán, khoa học, và kỹ thuật, mời học chương trình cao học.

Ngoài việc sắp xếp thời gian học và đọc sách. Khoa lên Google tìm các dự án để làm thêm. Nhiều dự án trên trang mạng MindSumo của Stanford University. Trang mạng này có vô số dự án lớn của các công ty, mọi ngành nghề, và chia ra 6 lĩnh vực là Kinh doanh, Kỹ thuật, Khoa học Máy tính, Khoa học Thực phẩm, Toán và Khoa học, và Nhân văn & Nghệ thuật.

Trong năm 2017 Khoa kiếm được kha khá tiền. Những dự án có giá 200-300USD thì Khoa làm cả trăm cái. Rồi có những cái có giá hơn 1.000USD. Riêng những dự án mất nhiều thời gian đầu tư như 11.000USD của ngân hàng Wells Fargo, hay lớn nhất là 50.000USD của SpaceX Khoa cũng giành được. Khoa kể, dự án của SpaceX làm gần cả năm mới xong và chỉ hai tháng sau ông chủ SpaceX nhận Khoa vào làm toàn thời gian. Đây là điều Khoa chưa bao giờ nghĩ tới.

Tìm project kiếm tiền

Chàng trai 19 tuổi kể, khi còn ở Việt Nam “chỉ biết học cho ba mẹ vui. Nhưng khi qua Mỹ thì xác định học là cho tương lai của mình, cho dòng họ mình. Trước khi đi học thì bà nội có dặn: ‘Con đi làm sao để về làm rạng danh dòng họ Đỗ,’ bởi vì bà nội từng sống 15 năm ở Orange County nhưng cuối cùng về do thấy không phù hợp với cuộc sống ở Mỹ.” Nhớ lời nội dặn, ngoài học, anh còn đi làm thêm, vì không muốn phụ thuộc vào tiền cha mẹ gửi qua. “Lúc đi học thì em cố gắng để giáo sư chú ý, và thường gặp giáo sư để hỏi về bài vở, nhờ vậy vừa làm trợ giảng, vừa làm gia sư trên trường. Rồi thời gian rảnh em đi dạy đàn, vì em biết chơi piano, guitar, electric guitar, violin, kèn clarinet và saxophone,” anh nói.

“Hồi còn nhỏ em được học piano rồi, lên lớp 6 thì học guitar, lớp 9 học violin và electric guitar. Qua Mỹ thì học kèn kèn clarinet và saxophone. Lúc đầu sang học ở UCLA, em ở thành phố Walnut, Los Angeles County. Sau đó tìm được nhiều mối dạy piano và guitar ở khu người Việt tại Little Saigon nên chuyển xuống Buena Park, Orange County, và cũng để dạy SAT cho một trung tâm ở đây. Mới chuyển xuống đúng một năm thì giờ em phải chuyển lên Bắc California để đi học, đi làm,” anh nói thêm.

Đặc biệt, anh rất mê sách. “Em đọc đủ thứ hết, nhưng đa phần là sách vật lý, sách kỹ thuật, sách tâm lý. Đọc để học, để có kiến thức, để có kỹ năng sống thôi. Ở Việt Nam thì em lười lắm, chơi không hà. Nhưng qua đây thì đọc sách rất nhiều. Năm đầu tiên đọc được 30 cuốn, đến năm thứ hai thì được 50 cuốn. Hiện tại thì 80 cuốn một năm. Nó cũng không có khó,” anh nói nhẹ tênh.

Và cũng vì “Em học ‘phức tạp’ lắm” như Khoa nói, nên đọc sách mới giúp anh giải quyết chuyện học “phức tạp” của mình. “Ở Việt Nam, cấp hai em học chuyên hóa, cấp ba học chuyên toán. Qua Mỹ tiếp tục học chuyên toán. Khi vào đại học UCLA thì học ngành khoa học máy tính (computer science) và khoa học dữ liệu (data science). Nhưng em lại mạnh về computer science nên muốn vào UC Berkeley. Tuy nhiên, em cũng thích data science nữa, nên sẽ tự tìm tòi,” anh cho hay. Do thích những gì liên quan đến toán, khoa học, và kỹ thuật nên anh nghĩ đến chuyện kiếm tiền bằng những kiến thức được thu nạp nhờ đọc sách. Anh lên Google “tìm việc!”

“Em tìm được nhiều project trên trang mạng MindSumo của Stanford University. Trang mạng này có vô số project lớn của các công ty, mọi ngành luôn, và chia sáu lĩnh vực là Business, Engineering, Computer Science, Food Science, Math & Sciences, và Humanities & Arts,” anh kể. “Nhờ vậy, trong năm 2017 em kiếm được kha khá tiền. Những project có giá $200-$300 thì em làm cả trăm cái rồi. Rồi có những cái có giá hơn $1,000. Riêng những project mất nhiều thời gian đầu tư như $11,000 của ngân hàng Wells Fargo, hay lớn nhất là $50,000 của SpaceX em cũng giành được,” anh khoe.

Anh kể, project của SpaceX anh làm gần cả năm trời mới xong. “Lúc đó là lúc em chia tay vợ sắp cưới của em hiện nay. Khi đó về tới nhà là chán lắm, nên em làm project đó để hết thời gian,” anh cho hay. Theo anh, SpaceX yêu cầu thay vì phóng hỏa tiễn trên mặt đất, thì bầu khí quyển tốn nhiều năng lượng để phóng do oxy dày. Trong khi đó, ở Bắc Cực muốn xây một thang máy ra ngoài khí quyển, để có trạm phóng ngoài không gian. Điều này để tiết kiệm nhiên liệu, và hỏa tiễn bay thì trở về được, như máy bay vậy.

“Project này kết hợp giữa vật lý và khoa học máy tính. Đối với em, toán không phải là môn học, dù em học chuyên về toán. Nó chỉ là nền tảng của mọi khoa học, dùng để mượn công cụ thôi. Với project này của SpaceX thì những bước để làm việc này đều thuộc về khoa học dữ liệu, khoa học máy tính, lập trình, vật lý, không xài toán nhiều trong đó,” anh nói về số tiền $50,000 giành được khi đưa ra ý tưởng cho SpaceX. “Từ giữa năm 2017 em làm project này nhưng mãi đến Tháng Hai, 2018, mới xong. Vui nhất là chỉ hai tháng sau thì ông chủ SpaceX nhận em làm việc full-time. Đây là điều em chưa bao giờ nghĩ tới,” anh chia sẻ.

“Gia đình em thì kêu bỏ học đi làm liền. Nhưng em thì nghĩ, đây là một trong những cơ hội lớn chứ không phải duy nhất, nên em phải từ từ suy nghĩ. Dù biết rằng ngoài lương thì SpaceX đưa nhiều phúc lợi như chứng khoán $60,000 một năm, xe Tesla, housing nếu ở campus của họ, bảo hiểm, quốc tịch… nhưng nếu không học thì không làm gì được. Mà đi học, công ty còn trả tiền nữa mà, tại sao lại không học?” anh cho hay.Mặc dù được SpaceX tạo mọi điều kiện, nhưng Khoa cho hay: “Nếu có cơ hội, em vẫn thích Apple, Google, Airbnb. Trong đó em thích nhất là Airbnb, vì ‘benefit’ dữ lắm dù là công ty không nổi tiếng bằng những công ty kia, nhưng lương cũng bằng vậy, và làm ít áp lực hơn.”

“Em thích làm data science, bởi vì làm dữ liệu thì đỡ áp lực hơn nhiều. Trước đây cứ nghĩ là học xong  ở UCLA thì em sẽ làm chuyên gia phân tích rủi ro bên bảo hiểm. Nhưng dự tính của mình không giống như mình nghĩ. Cuối cùng thì lại ‘dính’ vào Space X. Nghề tay phải muốn làm là data science thì không được rồi, đành phải làm nghề tay trái computer science vậy!” anh nói.

Và Khoa rất tâm đắc câu: “Sometimes you make choices in life and sometimes choices make you,” tức là “Đôi lúc bạn tạo ra cơ hội trong cuộc sống và đôi lúc cơ hội tạo ra bạn.”

PV

Tags:
Vì sao đồng hồ Rolex của ông Biden gây chú ý?

Vì sao đồng hồ Rolex của ông Biden gây chú ý?

Chiếc đồng hồ mà ông Joe Biden đeo trong lễ nhậm chức thu hút nhiều sự chú ý của truyền thông. Báo New York Times cho rằng tân tổng thống “phá vỡ truyền thống" khi đeo nó.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất