Cách các nước hỗ trợ y bác sĩ tuyến đầu chống Covid-19

Nhiều nước tích cực hỗ trợ lực lượng y tế tuyến đầu chống Covid-19 như tăng thu nhập, chăm sóc con cái và cung cấp nơi ở, phương tiện đi lại.

14:00 14/09/2021

Kể từ khi Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, các y bác sĩ trở thành lực lượng tuyến đầu chống dịch, chịu áp lực ngoài sức tưởng tượng khi vừa làm việc trong môi trường phơi nhiễm nCoV cao, áp dụng các biện pháp cách ly và phòng dịch khắc nghiệt nhất, vừa dốc sức giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Để chăm lo tốt cho những "người hùng thầm lặng" này, chính phủ nhiều nước đã áp dụng hàng loạt biện pháp hỗ trợ, động viên y bác sĩ, từ đảm bảo sức khỏe tâm lý, trợ cấp tài chính đến cung cấp chỗ ở, phương tiện di chuyển miễn phí.

Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Eurohealth vào tháng 11/2020, khi Covid-19 làm quá tải hệ thống y tế, nhiều nước châu Âu đã áp dụng hàng hoạt sáng kiến động viên và hỗ trợ cuộc sống, công việc cho lực lượng y tế quốc gia. Ít nhất 24/35 quốc gia châu Âu có biện pháp chăm lo sức khỏe tâm lý cho y bác sĩ, 17 nước hỗ trợ chăm sóc con cái nhân viên y tế và 18 nước áp dụng chính sách tài chính giúp đỡ lực lượng tuyến đầu.

Đường dây nóng hỗ trợ nhân viên y tế phần lớn được thiết lập mới hoàn toàn, không dựa trên nền tảng có sẵn. Mô hình được vận hành ở quy mô toàn quốc (như tại Bulgaria, Cộng hòa Czech, Pháp, Anh), cấp vùng (Đan Mạch và Bỉ) hay theo hiệp hội nghề nghiệp (Ban Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp).

Đường dây tư vấn cho y bác sĩ ở Hungary và Croatia được các trường đại học và trường y vận hành. Một số quốc gia trong khu vực áp dụng thêm hình thức tư vấn tâm lý trực tuyến qua ứng dụng điện thoại hoặc trang mạng.

Nhân viên y tế tại khu cách ly ở một bệnh viện tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 2/2020. Ảnh: Reuters.
Nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân tại khu cách ly ở một bệnh viện tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 2/2020. Ảnh: Reuters.

Ba Lan là điển hình cho mô hình vừa siết chặt quản lý lực lượng y tế giữa đại dịch, vừa tăng thu nhập để động viên y bác sĩ. Từ tháng 4 đến tháng 7/2020, nhân viên y tế tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 hoặc trường hợp nghi nhiễm nCoV tại Ba Lan bị cấm làm thêm ngoài cơ sở khám chữa bệnh mình đang làm việc.

Để bù đắp phần thu nhập bị hao hụt cho các y bác sĩ, Bộ Y tế Ba Lan chỉ đạo Quỹ Y tế Quốc gia (NHF) đảm bảo phụ cấp bằng tiền mặt hàng tháng cho nhân viên y tế trong diện ảnh hưởng bởi quy định mới. Mức phụ cấp tối đa 2.600 USD, tương đương 50-80% thu nhập tại cơ sở làm ngoài. Mức hỗ trợ trung bình cho bác sĩ khoảng 1.700 USD, còn y tá là 805 USD, bao gồm tiền đóng bảo hiểm xã hội từ nơi làm việc bên ngoài.

Một số bệnh viện Ba Lan có phụ cấp riêng cho nhân viên y tế chịu rủi ro phơi nhiễm nCoV khi chăm sóc bệnh nhân. Tại các bệnh viện vùng Gdansk, y bác sĩ được hỗ trợ thêm 20% thu nhập hàng năm và khoảng 20% thu nhập theo giờ tính trên hợp đồng. Ở vùng Wroclaw, nhân viên y tế được trả thêm 8 USD cho mỗi giờ làm việc. Giám đốc Bệnh viện Đại học Krakow đã cam kết tăng thu nhập cho người làm việc trong khu bệnh truyền nhiễm và khoa cấp cứu.

Ngoài khía cạnh tài chính, các nước châu Âu còn huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ những vấn đề khác trong cuộc sống của y bác sĩ chống dịch, như phương tiện đi lại hay nơi ở.

Tại Anh, nhân viên Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS) được cung cấp chỗ ở miễn phí hoặc giá rẻ nếu phải cách ly với gia đình hoặc chịu khó khăn tại nơi cư trú vì nguy cơ dịch tễ. Điển hình là chương trình NHS Homes được thành lập vào tháng 4/2020 bởi Hiệp hội Nơi ở Ngắn hạn. Mô hình tương tự được áp dụng tại Ba Lan, Romania và một số địa phương Thổ Nhĩ Kỳ. Biện pháp này tạo điều kiện cho nhân viên y tế Anh an tâm làm việc và tăng ca do không còn lo ngại phải xa nhà dài ngày.

Bên cạnh đó, một số nước bổ sung biện pháp hỗ trợ chăm sóc con cái để giảm gánh lo cho nhân viên y tế, đảm bảo lực lượng tuyến đầu chuyên tâm chống dịch.

Trong đợt đỉnh dịch tại châu Âu, các cơ sở chăm sóc trẻ em và trường học một số nước như Áo, Bỉ, Pháp và Đức vẫn tiếp nhận con em y bác sĩ. Romania tăng phụ cấp hỗ trợ chăm sóc con cái cho lao động y tế, đặc biệt là những trường hợp không thể nghỉ phép vì khủng hoảng Covid-19.

Tại Israel, một số bệnh viện tự tổ chức khu vực trông nom, chăm sóc dành riêng cho con em y bác sĩ.

Nhân viên y tế trong khu chăm sóc tích cực bệnh viện ở London vào tháng 12/2020, trong giai đoạn Covid-19 bùng phát vì biến chủng Alpha. Ảnh: Guardian.
Nhân viên y tế trong khu chăm sóc tích cực bệnh viện ở London vào tháng 12/2020, trong giai đoạn Covid-19 bùng phát vì biến chủng Alpha. Ảnh: Guardian.

Trung Quốc vào tháng 2/2020 cũng nỗ lực hỗ trợ gia đình lực lượng tuyến đầu bằng chính sách cộng điểm thi tốt nghiệp trung học cơ sở cho con em các y bác sĩ tham gia chống dịch ở Hồ Bắc.

Trẻ chưa vào lớp 1 sẽ được ưu tiên nhận vào những trường mẫu giáo công lập. Thí sinh kỳ thi tuyển sinh đầu vào đại học là con của nhân viên y tế tuyến đầu cũng được cộng điểm.

Vào đầu tháng 8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi nhân viên y tế là "những thiên thần hộ mệnh cho sức khỏe nhân dân", đã chấp nhận hy sinh để tạo nên bức tường thành chống Covid-19. Ông tái khẳng định nhân viên y tế là "lực lượng xương sống" trong chiến thắng trước đại dịch và cần được bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ về mọi mặt để duy trì sức mạnh chiến đấu.

Nhằm đảm bảo đủ y tá chăm sóc bệnh nhân Covid-19, Singapore tháng 7 tuyên bố tăng thu nhập hàng tháng cho nhóm làm việc trong bệnh viện công từ 5 đến 14%. Đây là một phần chiến lược tầm nhìn đến năm 2030 nhằm giảm lệ thuộc vào lao động nước ngoài của hệ thống y tế Singapore, đồng thời tăng số lượng y tá chuyên môn cao có khả năng kê đơn thuốc cho người bệnh.

Bên cạnh đó, người lao động trong các bộ phận khác của bệnh viện, như nhân viên khối hỗ trợ, hành chính, dược sĩ sẽ được tăng lương 3-7%. Ngoài 56.300 nhân viên khu vực công, Bộ Y tế Singapore quyết định tăng phụ cấp cho khoảng 20.800 người làm việc tại các tổ chức chăm sóc sức khỏe cộng đồng hoạt động bằng ngân sách.

"Lực lượng chăm sóc sức khỏe là huyết mạch của hệ thống y tế. Họ giữ vai trò then chốt trong bảo vệ sức khỏe xã hội. Chúng ta phải duy trì mức lương cạnh tranh với thị trường chung cho nhân viên y tế nhằm thu hút và giữ chân nhân tài", Koh Poh Koon, quốc vụ khanh cao cấp về Y tế và Nhân lực Singapore, lưu ý.

Tags:
Chồng Tây của Phương Vy idol: Dù là người có quốc tịch Mỹ, nhưng vẫn quyết về Việt Nam

Chồng Tây của Phương Vy idol: Dù là người có quốc tịch Mỹ, nhưng vẫn quyết về Việt Nam

"Trong thời gian mới cưới nhau, vợ chồng tôi thường xuyên gặp tình huống xung đột về văn hóa với cha mẹ vì chồng tôi là người nước ngoài" – Phương Vy Idol nói.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất