BỊ KHÓA TWITTER, ÔNG TRUMP LÀM GÌ ĐỂ DUY TRÌ ẢNH HƯỞNG?

Khi bị khóa tài khoản Twitter, Tổng thống Trump có thể phải hợp tác với truyền thông chính thống để duy trì ảnh hưởng cũng như gửi thông điệp tới khối cử tri trung thành.

06:30 12/01/2021

Suốt hàng chục năm qua, thương hiệu cá nhân của ông Trump trong mắt công chúng Mỹ là một người nổi tiếng luôn xuất hiện trên sóng truyền hình.

Khi còn là người dẫn chương trình của The Apprentice (Người tập sự), ông Trump hiện lên với tư cách một nhà quản lý cứng rắn, vận hành đế chế kinh doanh toàn cầu, một tỷ phú tự lập.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, những cuộc vận động hoành tráng, quyết liệt giúp ông Trump thống trị sóng truyền hình.

Sành sỏi cách thức vận hành của truyền thông, ông Trump khéo léo chọn ra những phát thanh viên ưa thích để trả lời phỏng vấn, qua đó thu hút cử tri ủng hộ, theo New York Times.

Nhưng kể từ khi nhiệm kỳ tổng thống bắt đầu tháng 1/2017, Donald Trump - bậc thầy của màn ảnh nhỏ - dần chuyển sang một nền tảng mới để thu hút người ủng hộ và duy trì ảnh hưởng của bản thân, thông qua tài khoản Twitter có tên @realDonaldTrump.

Thách thức vì không còn Twitter

Tài khoản Twitter cá nhân được ông Trump sử dụng với vô số mục đích: thông báo lịch trình làm việc, kênh sa thải trợ lý và thành viên nội các.

Nó cũng là kênh để ông công kích các đối thủ hay phóng viên khiến ông không vừa lòng, vừa là nơi giải tỏa ức chế bản thân.

Và hơn hết, Twitter cá nhân là kênh để ông Trump liên lạc với cử tri ủng hộ.

Khi tài khoản Twitter cá nhân của ông Trump bị khóa vĩnh viễn kể từ cuối tuần qua, không ai biết liệu ông có thể lấy lại tài khoản với gần 90 triệu lượt theo dõi hay không.

Tổng thống Trump giờ đối mặt thách thức không dễ tìm lời giải: làm thế nào để duy trì quyền lực trên mạng và hiện diện đối với cử tri, không chỉ với 10 ngày nhiệm kỳ còn lại, mà còn cho thời gian sau khi rời Nhà Trắng?

twitter khoa tai khoan ong trump anh 2
Tài khoản Twitter @realDonaldTrump đã bị khóa. Ảnh: New York Times.

Ông Trump vừa trải qua cuối tuần đầu tiên mà không có tài khoản Twitter. Trước đó, suốt 4 năm qua, tài khoản Twitter chính là một phần sức mạnh truyền thông của ông Trump.

Vì thế, sau quyết định hôm 8/1 của Twitter, Tổng thống Trump và các đồng minh lên án việc mạng xã hội khóa tài khoản @realDonaldTrump là hành động ngăn cản tự do ngôn luận.

"Như tôi đã nói suốt một thời gian dài, Twitter ngày càng đi xa hơn trong ngăn cấm quyền tự do ngôn luận. Và tối nay, các nhân viên của Twitter câu kết cùng đảng Dân chủ và những người cánh tả cấp tiến xóa bỏ tài khoản của tôi trên nền tảng này, để tước đoạt tiếng nói của tôi cũng như các bạn, 75 triệu người yêu nước vĩ đại đã bỏ phiếu cho tôi", Tổng thống Trump đưa ra thông báo hôm 8/1.

Không chỉ Twitter, chính ông Trump cũng đẩy mình vào thế khó.

Với việc suốt hai tháng không cần đến các kênh truyền thông chính thống như cách những đời tổng thống trước thường làm, qua việc phát biểu trước công chúng hay trả lời phỏng vấn, ông Trump tự giới hạn lựa chọn của mình, theo New York Times.

Không dựa vào truyền thông

Dù không còn Twitter, và ngay cả khi đang đối mặt nguy cơ bị luận tội lần hai, ông Trump vẫn là tổng thống Mỹ cho tới ngày 20/1.

Do đó, ông Trump có toàn quyền chỉ đạo các cơ quan chính phủ Mỹ truyền đi những chỉ thị và mong muốn của bản thân.

Tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump có một đơn vị truyền thông túc trực với nhiệm vụ phát đi tuyên bố chính thức của nhà lãnh đạo nước Mỹ. Một đội ngũ phóng viên chuyên trách từ các báo cũng có nhiệm vụ đưa tin những gì ông chủ Nhà Trắng nói và làm.

Thế nhưng, ông Trump từ lâu không còn dựa vào báo chí và truyền hình - vốn từng là công cụ biến ông trở thành ngôi sao trong làng giải trí và góp phần đưa ông vào Nhà Trắng.

Trong 4 năm nhiệm kỳ, với những tranh cãi và hàng loạt cuộc điều tra đổ dồn vào ông Trump cũng như các đồng minh, truyền hình không còn là không gian an toàn cho tổng thống.

Các hãng phát thanh, truyền hình đứng trước sức ép phải có cách tiếp cận cứng rắn hơn, đặt ra những câu hỏi hóc búa hơn với Tổng thống Trump và đội ngũ trợ lý.

Ngoại trừ Fox News, các hãng cũng cắt giảm tần suất phát sóng các chương trình có sự xuất hiện trực tiếp của ông Trump.

twitter khoa tai khoan ong trump anh 3
dự một buổi thông tin báo chí về dịch Covid-19. Ảnh: Getty.

Một lựa chọn khác của Tổng thống Trump là những buổi họp giao ban hoặc thông tin báo chí từ Nhà Trắng. Nhưng kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19 cho thấy những sự kiện như vậy thường không diễn ra suôn sẻ với Tổng thống Trump.

Một trợ lý cho biết ông Trump không hề thích thú với rất nhiều khía cạnh của chức danh tổng thống, bao gồm việc thường xuyên bị đặt những câu hỏi mà ông chủ Nhà Trắng không biết câu trả lời.

Khi liên tục tổ chức họp giao ban và thông tin báo chí vào mùa xuân để thảo luận về virus corona, Tổng thống Trump hào hứng với hiệu quả hình ảnh thu được. Khi đó, ông xuất hiện như một tổng thống hành động quyết liệt, đối lập với hình ảnh đối thủ Joe Biden vận động từ tầng hầm tư gia.

Nhưng những cuộc họp như vậy, bao gồm cả phần đặt câu hỏi và trả lời, khiến ông Trump bị lên án và bị đem ra làm "trò cười", bởi những phát biểu nguy hiểm về việc dùng thuốc tẩy để chống virus, hay khẳng định vô căn cứ rằng tình hình sẽ sớm diễn biến tích cực.

Vì vậy, Twitter trở thành sân khấu chính ưa thích, nơi ông Trump có thể kiểm soát chặt tình hình.

Phát biểu lớn cuối cùng của Tổng thống Trump?

Giống như người tiền nhiệm Barack Obama, ông Trump có tài khoản chính thức dành cho tổng thống Mỹ ở địa chỉ @Potus (President of the United States). Mặc dù vậy, Tổng thống Trump chỉ hoạt động bằng tài khoản cá nhân @realDonaldTrump.

Ông Trump hiểu rõ sức mạnh từ việc xây dựng thương hiệu cá nhân, tách biệt nó với nghĩa vụ chính thức của chức danh tổng thống.

Twitter mang lại cho ông Trump cách thức để thể hiện bản thân, không chịu sự ràng buộc bởi các tiêu chuẩn của một tổng thống Mỹ.

Ông Trump tự viết các nội dung đăng tải trên Twitter, theo dõi các phản hồi, nghiên cứu những nội dung thịnh hành trên Twitter, từ đó đánh giá sự quan tâm của cử tri.

Trong khi đó, truyền hình trở thành công cụ giúp ông Trump theo dõi hiệu quả những dòng tweet của mình.

Các trợ lý Nhà Trắng cho biết ông Trump dành nhiều thời gian để viết tweet và theo dõi phản ứng trên truyền hình.

Theo các trợ lý, đối với một người ngoài 70 nhưng vẫn có phản ứng tâm lý như thanh niên và muốn được chú ý, sự hưng phấn ông Trump có được từ việc đăng Twitter là thứ mà không điều gì khác có thể mang lại.

Trong tình hình hiện nay, các cố vấn phải tìm kiếm công cụ giúp Tổng thống Trump bày tỏ quan điểm mà không bị kiểm duyệt.

twitter khoa tai khoan ong trump anh 4
sẽ có một bài phát biểu chấn động trước khi rời ? Ảnh: AP.

Nhưng cho tới lúc đó, ông Trump buộc phải phụ thuộc vào những phương thức truyền thông chính thống, tổ chức các sự kiện trang trọng với hy vọng sẽ được công chúng chú ý.

Đó chính xác là những gì Tổng thống Trump mong muốn khi lên kế hoạch thăm khu vực biên giới tây nam, để thúc đẩy việc xây tường biên giới như lời hứa tranh cử năm 2016.

Sau tất cả những sự phẫn nộ và kịch tính trong chương cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Trump vẫn còn thời gian để lên kế hoạch cho một lần xuất hiện cuối cùng thật hoành tráng và ấn tượng trước khi rời Nhà Trắng.

Jason Miller, cố vấn cấp cao của ông Trump, cho biết nếu tổng thống thực sự lên kế hoạch cho sự xuất hiện này, các hãng truyền thông sẽ đối mặt bài toán khó: theo chân Twitter ngăn chặn tiếng nói của ông Trump, hay đăng tải, phát sóng phát biểu của tổng thống tới người dân Mỹ.

"Điều tôi muốn nói với nhiều thành viên của giới truyền thông là: hãy cẩn thận với điều ước của mình", ông Miller nói.

Tags:
Đi ngược chính quyền ông Trump, ông Biden muốn phân phối hết vắc xin

Đi ngược chính quyền ông Trump, ông Biden muốn phân phối hết vắc xin

Thay vì giữ lại một nửa nguồn cung để đảm bảo mọi người nhận liều vắc xin thứ 2 đúng lúc, ông Biden có kế hoạch phân phối gần như tất cả liều vắc xin ngừa COVID-19 đang sẵn sàng sử dụng ở Mỹ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất